• bỏng hóa chất là gì
  • cách sơ cứu vết bỏng hóa chất
  • mẹo sơ cứu

Tất cả các vết bị bỏng hóa chất đều gây ra ảnh hưởng nhất định đến cơ thể con người. Vậy nên nếu bạn phát hiện ai đó đang bị bỏng hóa chất, hãy cố gắng giúp đỡ họ bằng cách sơ cứu thật nhanh trước khi gọi xe cứu thương. Vậy, cách sơ cứu khi bị bỏng hóa chất như thế nào? Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn bạn.

Bỏng hóa chất là gì?

Một thực tế là nhiều hóa chất thường được sử dụng ở nhà, trường học, hoặc nơi làm việc có thể gây bỏng da nghiêm trọng, có thể kể đến nước thông cống và các chất tẩy rửa mạnh. Bên ngoài, vết bỏng hóa chất có thể trông rất nhỏ nhưng chúng có thể khoét sâu và phá hủy các mô bên trong, điều đó có thể tùy thuộc vào:
  • - Loại hóa chất
  • - Mức độ ăn mòn của hóa chất
  • - Thời gian lưu lại hóa chất trên da của bạn là bao lâu

Bị bỏng hóa chất phải làm sao?

Điều quan trọng khi sơ cứu người bị bỏng hóa chất là phải loại bỏ hóa chất khỏi da càng nhanh càng tốt bằng nước sạch. Khi thực hiện sơ cứu, bạn phải cẩn thận để không bị bất kỳ hóa chất nào dính vào da của mình.

Cách sơ cứu khi hóa chất dính trên da

Nếu có thể, hãy cởi bỏ quần áo, giày dép, tất,… bị nhiễm bẩn và đừng cố gắng loại bỏ bất cứ thứ gì bị dính vào da.
 
Hãy rửa sạch vết bỏng với nhiều nước trong khoảng ít nhất 20 phút, điều này sẽ giúp giảm thiệt hại cho các mô của bạn. Tốt nhất, hãy đặt người đó dưới vòi sen và xả nước để rửa trôi hóa chất ra khỏi cơ thể. Sau cùng, dùng băng vô trùng che vết bỏng lại.
 
Nếu vết phồng rộp, vết bỏng lớn hoặc sâu, đau, tấy đỏ hoặc sưng tấy trầm trọng hơn hoặc kéo dài, bạn cần đi khám bác sĩ ngay. Nếu các triệu chứng nghiêm trọng, đừng chần chừ, hãy đến thẳng phòng cấp cứu sau khi rửa sạch.

Sơ cứu nhanh khi hóa chất bắn vào mắt

Trong trường hợp này, hãy nghiêng đầu sang một bên. Điều này rất quan trọng vì nó sẽ ngăn không cho hóa chất lan sang mắt còn lại. Loại bỏ kính áp tròng (nếu có) và rửa mắt nhẹ nhằng bằng nước mắt trong 20 phút. Lưu ý không đổ nước trực tiếp vào mắt, nên dùng nước từ vòi bồn rửa bát chảy chậm hoặc từ từ rót nước từ bình để nước chạm vào sống mũi và nhẹ nhàng chảy qua mắt. Cố gắng chớp mắt để hóa chất không tích lại bên trong mắt.
 
Sau khi rửa, nếu tình trạng kích ứng mạnh, mắt đau, thị giác có vấn đề, đỏ, sưng hoặc chảy nước mắt kéo dài,… bạn cần đưa nạn nhân đến trạm y tế gần nhất để được bác sĩ kiểm tra càng sớm càng tốt.
 
Mắt là bộ phận quan trọng và cực kỳ nhạy cảm với hóa chất, nếu không được sơ cứu kịp thời mắt có thể bị tổn thương nặng thậm chí là mù lòa. Mỗi giây đều quan trọng và sự chậm trễ có thể dẫn đến mất thị lực.

Nếu hít phải hóa chất phải làm sao?

Đừng lo lắng, hãy nhanh chóng di chuyển đến nơi có không khí trong lành. Tránh xa tất cả khói và khí độc hại do phản ứng của hóa chất tạo thành. Sau khi di chuyển đến nơi thoáng khí, đừng vội nuốt nước bọt vì như thế bạn sẽ vô tình đưa hóa chất xuống cổ họng gây kích ứng, hãy sút họng bằng nước sạch một vài lần.

Nếu nuốt phải hóa chất

Theo Cơ quan Kiểm soát Chất độc (Poison Control), bạn cần nhanh chóng:
  • - Gọi 115 nếu người đó bất tỉnh, lên cơn co giật hoặc khó thở.
  • - Đừng gây nôn và không cho họ uống bất cứ thứ gì.
  • - Lau miệng cho nạn nhân bằng khăn ẩm hoặc súc miệng bằng nước.
  • - Nếu nạn nhân còn phản ứng, hãy hỏi họ đã nuốt những gì, khi nào và bao nhiêu. Hoặc bạn có thể quan sát xung quanh để tìm các manh mối như bao bì, hoặc hộp đựng rỗng,… và đưa chúng cho bác sĩ.
 
Lưu ý: Một số người cho rằng uống một ít sữa sau khi nuốt phải hóa chất sẽ có thể ngăn ngừa các tác hại. Song, điều này là không nên. Bởi sữa không phải thuốc giải độc, cũng không bảo vệ dạ dày khỏi hóa chất hoặc chất độc được nuốt vào. Tương tự, cũng đừng nên cho nạn nhân ăn trứng sống hoặc mù tạt,… để kích thích nôn.

Các triệu chứng thường gặp khi bị bỏng hóa chất

Tương tự như bỏng do nhiệt, các dấu hiệu và ảnh hưởng của bỏng hóa chất trên bao gồm: đỏ và rát tại vị trí bị bỏng; đau hoặc tê; phồng rộp; đen da. Các vết bỏng ở mắt có thể gây ra các vấn đề về thị lực. Vết bỏng ở phổi có thể gây ho hoặc khó thở.
 
Ngoài ra, khi vết bỏng nghiêm trọng có thể gây ra các triệu chứng như: tụt huyết áp; chóng mặt và ngất xỉu; đau đầu; co giật; nhịp tim không đều hoặc suy tim.

Nguyên nhân gây bỏng hóa chất

Bỏng hóa chất thường xảy ra do tai nạn. Nhưng đôi khi chúng cũng có thể được gây ra có chủ đích như bị hành hung, tự làm hại bản thân hoặc cố gắng tự tử. Các vết bỏng do hóa chất thường xảy ra ở mặt, mắt, tay chân, bàn tay hoặc bàn chân,… và khiến bạn bị bỏng bên trong nếu nuốt phải.
 
Hầu hết các vết bỏng hóa học đều do axit mạnh hoặc bazơ mạnh gây ra. Các hóa chất này thường xuất hiện trong các sản phẩm thương mại như: Chất thông tắc cống và bồn cầu; chất tẩy trắng; chất tẩy rửa kim loại; chất làm khô sơn;… Trong đó, số trường hợp bị bỏng do tiếp xúc với chất thông tắc cống là nhiều hơn cả.
 
Hầu hết các chất tẩy rửa cống là các hợp chất có sẵn ở dạng rắn hoặc lỏng. Các hóa chất độc hại trong các sản phẩm này có thể bao gồm axit mạnh như axit clohidric hoặc axit sunfuric, và chất kiềm mạnh như natri hoặc kali hydroxit. Những hóa chất này rất mạnh có thể gây tổn thương nghiêm trọng các vùng tiếp xúc.

Có thể phòng ngừa bỏng hóa chất được không?

Bạn có thể ngăn ngừa bằng cách:
  • - Luôn đọc và làm theo hướng dẫn khi sử dụng sản phẩm có chứa hóa chất. Hãy chắc chắn rằng bạn hiểu mọi cảnh báo được ghi trên bao bì.
  • - Luôn đeo găng tay cao su dài và kính bảo vệ mắt khi sử dụng hoặc bảo quản hóa chất.
  • - Luôn rửa sạch tay sau khi sử dụng sản phẩm hóa học.
  • - Đảm bảo cất giữ hóa chất ở nơi an toàn, tránh xa trẻ em và thú nuôi trong nhà. Đừng quên ghi các nhãn cảnh báo để người khác biết.
  • - Trang bị sẵn đồ sơ cứu trong nhà phòng khi cần điều trị vết bỏng hóa chất.
Qua bài viết trên đây, KPTCHEM hy vọng bạn sẽ biết cách sơ cứu bỏng hóa chất. Đây có thể là kiến thức nhỏ nhưng quan trọng giúp bảo vệ bản thân tránh khỏi những ảnh hưởng do hóa chất, và biết đâu điều đó sẽ giúp bạn trở thành “anh hùng” đời thực.
© 2018 Tạp chí gia đình hiện đại - www.tapchigiadinhhiendai.com
 
Design by: minhchien.xyz